Quy trình giặt chăn ga khách sạn
Bất kỳ khách hàng nào khi đi du lịch cũng đều mong muốn sẽ được nghỉ ngơi trong căn phòng sạch sẽ, chăn ga gối đệm êm ái, phẳng phiu. Vậy bạn có bao giờ nghĩ đến việc làm thế nào mà các bộ chăn ga khách sạn lại được tinh tươm như thế không? Cùng chúng tôi theo dõi quy trình giặt chăn ga khách sạn dưới đây để hiểu rõ hơn bạn nhé.
Bước 1: Thu gom chăn ga gối đến nơi quy định
Sau mỗi lần khách trả phòng người nhân viên sẽ thu gom chăn ga gối dùng trong khách sạn cũng như các đồ vật khăn, quần áo đến một khu vực giặt ủi riêng. Thông thường, các khách sạn lớn đều có ấn định thời gian thu gom các vật dụng này vào đầu giờ sáng hay cuối giờ chiều. Đó là cách để giúp người nhân viên giặt thuận tiện thực hiện công việc của mình và đồng thời cũng không làm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của khách hàng.
Bước 2: Mang chăn ga gối bẩn đến khu vực giặt là
Chăn ga gối khách sạn bị bẩn sẽ được đưa đến khu vực giặt là. Còn nếu đệm bị bẩn thì người nhân viên sẽ xử lý ở ngay tại phòng. Tất cả nhân viên của bộ phận giặt đều sẽ được trang bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết để phục vụ cho công việc của mình. Chăn ga gối dơ sẽ đưa đến phòng giặt, dĩ nhiên người nhân viên vẫn phải xếp gọn gàng các vật dụng này trước khi mang đến nơi giặt ủi, tuyệt đối không xảy ra tình trạng kéo lê dưới sàn.
Bước 3: Phân loại chất liệu vải chăn ga gối đệm dùng cho khách sạn
Cùng trong một khách sạn không có nghĩa là bộ chăn ga gối nào cũng có chất liệu giống nhau. Để đảm bảo các bộ chăn ga này luôn sạch sẽ và giữ được vẻ đẹp bền bỉ thì người nhân viên sẽ tiến hành phân loại các chất liệu riêng ra. Dựa vào loại vải, kích thước, màu sắc,…để bỏ vào từng máy giặt cho phù hợp. Đây là cách vừa giảm thiểu tình trạng hoạt động quá tải của máy giặt, đồng thời giúp làm sạch chăn ga gối tốt nhất, không bị phai màu.
Bước 4: Giặt chăn ga gối đệm dùng cho khách sạn
Hoàn thành xong công đoạn phân loại kỹ lưỡng, người nhân viên giặt là sẽ cho chăn ga gối vào trong máy giặt và đổ dung dịch nước giặt với lượng theo đúng quy định và điều chỉnh chế độ, thời gian giặt cho phù hợp. Nếu khi giặt có bỏ kèm với đồ vải của khu vực F&B thì người nhân viên sẽ sử dụng them hóa chất giặt tẩy công nghiệp. Tác dụng của loại hóa chất này là mang lại sự mềm mại, loại bớt chất bẩn trước khi đưa vào trong máy giặt.
Bước 5: Sấy khô chăn ga gối và là phẳng
Chăn ga khách sạn sau khi được giặt sạch sẽ được vắt và sấy khô. Để hạn chế sự hư hại cũng như tránh ảnh hưởng đến chất lượng của nó người nhân viên sẽ linh hoạt điều chỉnh nhiệt độ, thời gian sao cho phù hợp với từng chất vải khác nhau.
Chẳng hạn, đối với loại vải dày như cotton sẽ được chọn sấy ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, với loại chăn ga vải sợi tổng hợp thì phải chọn nhiệt độ thấp. Còn chất liệu lông tơ tuyệt đối không được làm khô nó bằng cách sấy. Tương tự khi là chăn ga cũng vậy, cẩn trọng điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với từng chất liệu khác nhau.
Bước 6: Gấp chăn ga gối khách sạn gọn gàng và bảo quản
Chăn ga gối khách sạn sau khi được sấy khô và là phẳng thì sẽ được gấp gọn gàng để khi cần dùng thay thế cho các bộ chăn ga gối bẩn khác. Nếu không dùng đến nó sẽ được bảo quản ở trong kho, đảm bảo điều kiện môi trường thông thoáng, không ẩm thấp cũng không có ánh nắng trực tiếp chiếu vào.
Như vậy có thể thấy rằng để có được những bộ chăn ga gối khách sạn phẳng phiu, đẹp đẽ để cung cấp cho khách hàng thì người nhân viên buồng phòng và giặt ủi phải làm việc vô cùng vất vả. Hi vọng rằng, qua bài viết này bạn có thể hiểu rõ hơn công việc của họ và càng thêm kính trọng những con người làm việc thầm lặng ấy bạn nhé.
Khoa Nguyễn